BỐI CẢNH

Sau khi rời khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào ngày 24.8.1991, Ukraine vẫn chịu sự ảnh hưởng từ Moscow nhưng cũng dần hướng mối quan hệ sang phương Tây.

Năm 2005, ứng cử viên thân phương Tây Viktor Yushchenko trở thành tổng thống và cầm quyền đến năm 2010. Sau đó, người kế nhiệm thân Nga Viktor Yanukovich chấm dứt thỏa thuận liên kết của Ukraine với Liên minh châu Âu (EU), gây ra làn sóng biểu tình lớn dẫn đến việc ông bị lật đổ và phải chạy sang Moscow vào năm 2014.

Cùng năm, Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý nhưng không được Kyiv công nhận. Phe ly khai thân Nga tại Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine năm đó kêu gọi thành lập “nhà nước cộng hòa nhân dân” tự xưng. Xung đột bùng phát giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai khiến cả chục ngàn người thiệt mạng và cả triệu người phải rời khỏi nơi sinh sống.

Tháng 2.2015, Đức và Pháp làm trung gian thiết lập thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên, trong đó Nga làm đại diện cho phe ly khai. Dù vậy, xung đột thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn.

Tháng 6.2017, quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua mục tiêu gia nhập NATO. Tháng 9.2020, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác định gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược quốc gia.

Từ tháng 3-4.2021, Nga bắt đầu đưa lực lượng đến gần biên giới Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga vào tháng 6 cùng năm tại Thụy Sĩ không giúp chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine. Tháng 12.2021, Nga đưa ra những yêu cầu về đảm bảo an ninh, trong đó NATO phải từ chối kết nạp Ukraine. Từ khi Liên Xô tan rã, NATO liên tục mở rộng lãnh thổ về sườn phía đông khi kết nạp thêm nhiều nước từng nằm trong Liên Xô. Nga coi đây là mối đe dọa đối với sự sống còn của nước này.

Cuối năm 2021, số lượng binh sĩ Nga tập trung gần biên giới Ukraine ước tính lên đến 100.000 người hoặc hơn. Ukraine cảnh báo Nga đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào đầu năm sau. Từ tháng 1-2.2022, nhiều cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao phương Tây và Nga diễn ra nhưng không giúp tình hình hạ nhiệt. Ngày 2.2.2022, Mỹ đưa thêm quân đến các nước đồng minh ở sườn phía đông NATO. Ngày 10.2.2022, Nga và Belarus tập trận chung gần biên giới Ukraine. Ngày 17.2.2022, các bên tại miền đông Ukraine leo thang đấu pháo tại tiền tuyến. Phe ly khai sau đó bắt đầu sơ tán người dân sang Nga.

Ngày 21.2.2022, Nga công nhận phe ly khai tại vùng Donbass miền đông Ukraine là “cộng hòa độc lập” và đưa quân đến các vùng này với sứ mệnh “gìn giữ hòa bình”. Ngày 24.2.2022, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine chính thức bắt đầu với mục tiêu mà Nga đưa ra là “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine và bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga tại Donbass.

Các giai đoạn chiến sự

Ngay sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch vào sáng 24.2.2022, những tiếng nổ lớn vang lên khắp các thành phố lớn ở Ukraine như Kyiv, Kharkiv, Odessa. Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ 3 hướng Belarus ở miền bắc, Nga ở miền đông và Crimea ở miền nam. Trưa cùng ngày, Tổng thống Zelensky chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Toàn bộ không phận bị đóng đối với máy bay dân sự do nguy cơ an toàn. Thiết quân luật và lệnh động viên được ban hành tại Ukraine. Nhiều người dân sơ tán sang các nước châu Âu.

Giai đoạn 1 (24.2.2022 - 3.2022)
Bao vây Kyiv bất thành

Mục tiêu ban đầu của Nga được cho là bao vây các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Kyiv. Những ngày đầu, lực lượng Nga kiểm soát thị trấn Chernobyl và các khu ngoại ô phía bắc Kyiv. Tổng thống Zelensky bỏ ngoài tai lời kêu gọi sơ tán và tuyên bố: “Cuộc chiến ở đây. Tôi cần đạn dược, không cần một chuyến xe” – Tổng thống Zelensky.

Cuối tháng 2, một đoàn xe quân sự của Nga trải dài trên tuyến đường 65 km được nhìn thấy tiến về phía Kyiv. Ngày 11.3, xe thiết giáp Nga tiến vào các vùng ngoại ô tây bắc của Kyiv nhưng Moscow gặp kháng cự mạnh và bị thiếu nhân sự. Sau một tháng chiến sự, Nga cuối cùng phải từ bỏ một trong những mục tiêu quan trọng nhất và rút lại kế hoạch bao vây Kyiv.

Trong giai đoạn này, nhiều trận đánh nổi bật đã diễn ra như trận Irpin, Bucha, sân bay Hostomel. Vài tuần đầu, lực lượng Nga kiểm soát được những thị trấn này nhưng đến cuối tháng 3 đều bị đẩy lùi. Tuy vậy, ở miền nam, Nga kiểm soát tỉnh Kherson và thủ phủ cùng tên vào ngày 2.3.2022.

Những ngày đầu tháng 3.2022, lực lượng Nga cũng kiểm soát được phần lớn diện tích tỉnh Zaporizhzhia, gồm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu nằm tại tỉnh này. Ngày 1.3.2022, lực lượng Nga bắt đầu bao vây thành phố Mariupol ở tỉnh Donetsk.

Ngày 10.3.2022, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp cấp cao đầu tiên nhưng không đạt tiến triển.

Giai đoạn 2 (4 - 9.2022)
Nga chuyển tập trung sang miền đông, nam Ukraine

Ngày 29.3.2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này đã hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 1 của “chiến dịch quân sự đặc biệt” và giờ tập trung vào mục tiêu chính là kiểm soát toàn vùng Donbass.

Sau khi Nga rời khỏi Kyiv, hàng trăm thi thể dân thường được tìm thấy trong những khu mộ tập thể hoặc trên đường phố tại Bucha. Ukraine và phương Tây nói có dấu hiệu tra tấn và đòi buộc tội Nga. Trong khi đó, Nga bác bỏ mọi thông tin nhắm vào dân thường và nói những bằng chứng trên đã được dàn dựng, theo đài RT.

Ngày 12.4.2022: Tổng thống Putin tuyên bố việc đối thoại hòa bình với Ukraine đã lâm vào ngõ cụt và chiến dịch của Nga diễn ra như kế hoạch.

Một ngày sau, xuất hiện thông tin soái hạm Moskva của Hạm đội biển Đen Nga bị trúng tên lửa. Tàu Moskva bị chìm vào ngày 14.4.2022. Ukraine và Mỹ cho rằng tàu Moskva đã trúng tên lửa của Kyiv trong khi Nga nói tàu gặp sự cố cháy nổ, sau đó bị chìm do sóng lớn trong lúc được đưa về cảng.

Trong tháng 4.2022, chiến sự ác liệt xảy ra tại thành phố Mariupol ở bên bờ biển Azov. Các vụ không kích và pháo kích đã biến thành phố thành đống đổ nát trong khi hàng chục ngàn người dân bị mắc kẹt lại.

Đến tháng 5.2022, lực lượng Ukraine phản công và đẩy quân Nga khỏi thành phố Kharkiv đến tận biên giới Nga. Trong khi đó, Ukraine ngày 17.5.2022 tuyên bố chấm dứt kháng cự tại khu nhà máy Azovstal, thành trì cuối cùng ở thành phố Mariupol sau nhiều ngày bị vây hãm.

Đến ngày 20.5.2022, toàn bộ quân nhân còn lại của Ukraine tại nhà máy Azovstal đầu hàng, mang lại chiến thắng biểu tượng cho lực lượng Nga sau gần 3 tháng giao tranh trong trận đánh mà tổ chức Chữ thập đỏ mô tả là “địa ngục”. Thất bại này khiến Ukraine bị cắt đứt đường tiếp cận biển Azov và mở ra hành lang từ miền nam Nga đến Crimea cho Moscow.

Sau khi giành được Mariupol, Nga tập trung tấn công các thành phố tại Luhansk như Severosonetsk và Lysychansk trong khi xây dựng tuyến phòng thủ tại Kherson và Zaporizhzhia. Trong giai đoạn này, Mỹ và Anh đồng ý chuyển các hệ thống rốc két tầm xa tiên tiến cho Ukraine, đặc biệt là Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) với tầm tấn công 80 km.

Trong tháng 6.2022, Nga hầu như tập trung nỗ lực kiểm soát tỉnh Luhansk với chiến thuật pháo kích dữ dội và lấn dần. Tính đến tháng 6, chính quyền Ukraine thừa nhận số binh sĩ thiệt mạng mỗi ngày là 100-120 người trong khi Nga không công bố con số thương vong hằng ngày. Ngày 30.6, lực lượng Nga rút khỏi đảo Rắn trên biển Đen, nơi đã kiểm soát từ những ngày đầu.

Cuối tháng 6.2022, Nga kiểm soát toàn bộ thành phố Severodonetsk và đến đầu tháng 7, thành phố cuối cùng do Ukraine kiểm soát tại Luhansk là Lysychansk cũng rơi vào tay Nga. Từ đó, Nga không đạt nhiều tiến triển tại khu vực Donbass.

Chiến dịch quân sự đến đây có thêm một bước ngoặt mới khi Nga tuyên bố ngoài Donetsk và Luhansk thì hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia cũng quan trọng.

Đến tháng 8.2022, Ukraine chính thức mở cuộc phản công tại tỉnh Kherson. Với các hệ thống vũ khí tầm xa được phương Tây cung cấp như HIMARS, Ukraine đã tấn công nhiều mục tiêu quân sự của Nga và được cho là đứng sau vụ oanh tạc căn cứ quân sự tại Crimea. Ngày 24.8.2022, Ukraine kỷ niệm ngày độc lập và cũng đánh dấu tròn 6 tháng từ khi chiến sự nổ ra. Trong bài phát biểu vào ngày này, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine được “tái sinh” khi Nga đưa quân sang.

“Chúng tôi không quan tâm các người có đội quân nào, chúng tôi chỉ quan tâm cho đất đai của mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng”, ông Zelensky nói.

Giai đoạn 3 (9 - 11.2022)
Ukraine phản công ở miền đông, nam; Nga bắt đầu tấn công cơ sở hạ tầng

Bước sang tháng 9.2022, Ukraine gây bất ngờ bằng một cuộc phản công thần tốc tại tỉnh Kharkiv ở đông bắc. Ukraine giành lại thế chủ động trong xung đột và tái kiểm soát hầu hết tỉnh Kharkiv, gồm thành phố Izium bị Nga nắm giữ trong suốt 6 tháng và Kupiansk. Sau đó, Ukraine cũng giành lại thành phố Lyman ở tỉnh Donetsk kế bên.

Tổng thống Putin sau đó ban bố lệnh động viên cục bộ, kêu gọi thêm 300.000 binh sĩ. Cuối tháng 9.2022, Tổng thống Putin công nhận độc lập đối với Kherson và Zaporizhzhia, sau đó chính thức sáp nhập 4 vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Hành động này không được Ukraine và phương Tây công nhận.

Ngày 8.10.2022, một vụ nổ lớn xảy ra trên cây cầu nối khu vực phía nam của Nga với bán đảo Crimea làm sụp vài nhịp cầu, cắt đứt tuyến tiếp tế chính của Moscow cho lực lượng chiến đấu tại Ukraine. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau nhưng đến nay Kyiv không xác nhận hay phủ nhận. Hai ngày sau, Nga tấn công một loạt thành phố Ukraine từ trên bộ, trên không và trên biển, khởi đầu chiến dịch công phá cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine.

Một ngày sau, Tổng thống Putin lần đầu tiên công khai bổ nhiệm một vị tướng làm chỉ huy chiến dịch tại Ukraine, đó là ông Sergei Surovikin. Ngày 10.10.2022, Nga tấn công Kyiv và nhiều thành phố bằng loạt tên lửa dữ dội nhất từ đầu chiến sự nhằm phá hủy hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ngày 9.11.2022, Nga thông báo rút khỏi thành phố Kherson sang bờ đông của sông Dnipro trước sức ép quân sự ngày càng tăng của Ukraine.

Giai đoạn 4 (11.2022 - nay)
Thế bế tắc

Từ cuối năm 2022, tình hình chiến trường không có nhiều biến chuyển lớn dù hai bên vẫn kèn cựa nhau tại miền đông. Nga thường thực hiện các đợt tấn công tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Tháng 12.2022, Tổng thống Zelensky lần đầu tiên ra nước ngoài từ đầu chiến sự khi lên đường sang Mỹ. Tại đây, ông được Washington cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và sẽ cung cấp hệ thống phòng không Patriot.

“Tiền của các bạn không phải là từ thiện. Đó là khoản đầu tư cho an ninh và dân chủ toàn cầu mà chúng tôi sẽ quản lý một cách có trách nhiệm nhất”, Tổng thống Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ ngày 21.12.2022.

Ngày 2.1, Ukraine thực hiện cuộc tấn công cơ sở quân sự của Nga tại Makiivka ở Donetsk làm 89 binh sĩ thiệt mạng, theo công bố của Bộ Quốc phòng Nga. Đó là một trong những lần thừa nhận thương vong lớn nhất của Moscow, theo Bloomberg.

Ngày 11.1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov làm tổng chỉ huy các lực lượng tham gia chiến sự tại Ukraine, thay ông Surovikin.

Tại miền đông, sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, Ukraine thừa nhận đã rút khỏi thị trấn Soledar thuộc Donetsk. Nga coi đây là nơi quan trọng để tiến đến kiểm soát thành phố chiến lược Bakhmut và cả vùng Donbass. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về tầm quan trọng của thị trấn này.

Tháng 1.2023, sau nhiều sức ép chính trị, các nước châu Âu và NATO đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine, trong đó gồm xe tăng Challenger 2 của Anh, Leopard 2 của Đức và M1 Abrams của Mỹ.

Một số bên gọi đây là bước tiến lớn để Ukraine có thể thực hiện các cuộc tiến công mới. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng số lượng xe tăng được cam kết là không đủ và đặt câu hỏi về khả năng sử dụng hiệu quả của Ukraine.

Sau khi được bật đèn xanh về xe tăng, Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ nhưng chưa được chấp thuận.

Bên cạnh các đợt tấn công tên lửa ồ ạt mỗi khi Ukraine có bước tiến về ngoại giao hay quân sự, Nga gần đây còn đẩy mạnh chiến sự tại miền đông và tập trận chung với Belarus, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể mượn đồng minh để mở một cuộc tiến công mới trong mùa xuân.